Các máy tính hiện nay thường được cài các bộ vi xử lý 2, 4 hay 16 nhân, nhưng bộ vi xử lý trung tâm (CPU) vừa được các nhà khoa học thuộc trường Đại học Glasgow (Scotland) hợp tác cùng Đại học Massachusetts Lowell (Mỹ) phát triển có tới 1.000 nhân.
Theo tờ Daily Mail, công nghệ đột phá này có thể mở ra một cuộc cách mạng tăng tốc độ bộ vi xử lý trong các máy tính hiện nay lên gấp 20 lần trong những năm tới. Loại siêu chíp mới được phát triển cũng có ưu điểm là tiêu hao ít điện năng và hoạt động rất êm.
Cũng như các bộ vi sử lý thông thường khác, siêu chíp được đặt tên là FPGA cũng bao gồm hàng triệu các bóng siêu bán dẫn và các bộ chuyển mạch siêu nhỏ. Tuy nhiên, bộ vi xử lý có thể được cấu hình theo yêu cầu của người sử dụng. Điều này giúp FPGA linh hoạt hơn trong quá trình sử dụng.
1.000 nhân trong bộ vi xử lý FPGA hoạt động độc lập với nhau để xử lý các nhiệm vụ được điều phối bởi một hệ thống điều khiển trung tâm. Cơ chế hoạt động này giúp siêu chíp FPGA có thể xử lý được 5GB dữ liệu/giây.
Tiến sĩ Wim Vanderbauwhede, thuộc trường Đại học Glasgow (Scotland) và là người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết: “Hiện tại, FPGA chưa thể phố biến với các máy tính tiêu chuẩn hiện nay vì phải lập trình rất phức tạp. Nhưng FPGA có khả năng xử lý với tốc độ cao và tiêu hao ít điện năng. Vì thế, chúng sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo trong tương lai”.
Các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu để cải tiến, giúp FPGA có thể tích hợp với các thế hệ máy tính tiêu chuẩn hiện nay và các thiết bị điện tử khác như LCD, mạng máy tính, ... Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ chính thức giới thiệu bộ vi xử lý tốc độ cao này vào tháng 3/2011.
(Theo Vietnamnet.vn)