3CElectricTin tứcTin tức liên quanSMS rác bùng phát với thủ đoạn mới



Rác dùng số “xịn”

Theo phản ánh của bạn đọc Báo BĐVN đang sử dụng dịch vụ của các nhà mạng VinaPhone, MobiFone, Viettel, từ tháng 11/2010 đến nay, đặc biệt là từ thời điểm giữa tháng 12, họ liên tục bị tin nhắc rác quảng cáo cho các đầu số 6776, 8700, 8779, 6773… quấy rầy. Như tin rác mời chào sử dụng “lời chúc năm mới ý nghĩa đến bạn bè, người thân” cho 6776, tin rao hình “gái đẹp cực hot” cho đầu số 8779, rồi hình nền Giáng sinh và năm mới cho đầu số 6773…

alt

“Rác” quảng cáo cho dịch vụ của đầu số 8700 dùng SIM “xịn” 091.Ảnh: P.M

Tuy nhiên, đáng chú ý là trong thời gian gần đây, những kẻ “ném rác” lại tỏ ra cao tay khi quay sang sử dụng đầu số 091 của VinaPhone hay 098 của Viettel để thu hút những người vốn dĩ rất… ghét loại thuê bao 11 số. Anh Thanh Bình, nhân viên một doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội cho biết: “Tôi dị ứng với tin nhắn rác đến cái mức cứ thấy có tin được gửi từ đầu số 012 hay 016 gì đó, là đã muốn xóa rồi. Tuy nhiên từ hôm 23/12, lúc 10 giờ tối, tôi nhận được một tin nhắn gửi đi từ số 0917126848, tưởng đối tác ai dè mở ra thì bổ ngửa: “Bạn đang có sao chiếu mệnh trong năm nay. Để biết tài lộc, vận hạn, tình duyên của bạn cuối năm 2010, soạn “TUVI…” gửi 8700”.

Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của phóng viên Báo BĐVN, giữa lúc tin nhắn rác đang bị cộng đồng người dùng điện thoại di động dị ứng như một thứ bệnh tật ghê tởm của xã hội, thì hiện nay còn xuất hiện khá rầm rộ loại “mỳ ăn liền” nhắm đến thuê bao có kết nối GPRS, 3G. Chị Hoàng Thu Trang, chủ nhân số thuê bao 0912633xxx kể: "Đúng hôm Noel, tôi nhận được tin nhắn từ số thuê bao 01252317116 quảng cáo cho dịch vụ cài đặt phần mềm chơi phỏm, tiến lên và xì tố online trên điện thoại di động. Đáng chú ý, thay vì phải thao tác “cách X cách Y” như thông thường, “rác” này lại gán sẵn 3 đường liên kết trong nội dung tin, để dụ người dùng chỉ cần bấm vào đó là sẽ chạy tới trang www.iwin.vn để cài đặt phần mềm chơi những trò giết thời gian nêu trên.

Tiếp tục “giỡn mặt” pháp luật

Theo thông tin từ VinaPhone, đầu số 6x76 và 6x73 lần lượt do Công ty cổ phần Truyền thông ZIGMA (địa chỉ tại số 60 phố Vọng, Hà Nội) và Công ty cổ phần Viễn thông và truyền thông Toàn Cầu (địa chỉ tại phố Trúc Khê, Đống Đa, Hà Nội) cung cấp dịch vụ. Còn đầu số 8x79 và 8x00 hiện đang lần lượt do Công ty cổ phần Truyền thông VMG (địa chỉ tại số 33 phố Thái Hà, phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) và Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT cung cấp nội dung dịch vụ. Và theo thống kê của Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), thì cả 4 doanh nghiệp tung tin nhắn rác này đều nằm trong danh sách tổng số 69 doanh nghiệp được cấp mã số quản lý tại Việt Nam tính đến thời điểm tháng 12/2010.

Như vậy, với những gì đang diễn ra trong thực tế thì đến nay, gần 2 năm đã trôi qua kể từ ngày Thông tư số 12 hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Nghị định 90/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chống thư rác có hiệu lực, câu chuyện xử lý vấn nạn tin nhắn rác trong nước vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan. Cũng đáng chú ý, liên tiếp trong các năm 2009- 2010, dù các đơn vị chức năng cùng các nhà mạng đều tuyên bố sẽ xử lý mạnh tay CP phát tán tin nhắn rác nhưng cộng đồng sử dụng điện thoại di động vẫn liên hồi “sống trong bực bội” vì bị làm phiền, nhất là đối tượng phụ huynh có con học cấp 1, cấp 2 đang sử dụng điện thoại di động ngày càng tỏ ra lo ngại do trẻ là đối tượng rất dễ bị “dụ” với loại tin gây tò mò về game, giới tính.

Trao đổi với phóng viên Báo BĐVN, một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông đã đặt vấn đề: Trong thời gian qua, Thanh tra Bộ TT&TT và các đơn vị liên quan cũng đã xử lý hàng loạt doanh nghiệp như Công ty cổ phần Truyền thông Phong Thủy, Công ty iDTV, Công ty FMC, Hello Media, M.A.X… do hành vi phát tán tin nhắn rác, cung cấp và quảng cáo dịch vụ bói toán, lô đề, giới tính… Tuy nhiên, phải chăng nguyên cớ để cho nạn tin rác tại Việt Nam cứ im ắng một thời gian rồi lại bùng phát, liên tục hoành hành các thuê bao di động và giỡn mặt pháp luật là do quy định về xử phạt vi phạm của pháp luật Việt Nam vẫn chưa đủ tính răn đe?

 

Phan Minh

Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 156 ra ngày 29/12/2010.