Một phần quang cảnh nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau thảm họa |
Sử dụng các số liệu về lịch sử, khảo cổ và địa chất, nghiên cứu do các nhà khoa học châu Âu thực hiện đã xác định 23 nhà máy điện hạt nhân nằm trong vùng nguy cơ sóng thần. Theo đó, bản đồ các vùng địa chất có khả năng bị ảnh hưởng bởi sóng thần bao gồm toàn bộ khu vực bờ Tây châu Mỹ, bờ Đại Tây Dương thuộc Tây Ban Nha/Bồ Đào Nha, biển Bắc Phi, Tây Địa Trung Hải và Châu Úc, đặc biệt rủi ro sẽ lớn hơn ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á* do sự hiện diện của các nhà máy điện hạt nhân.
23 nhà máy này có tổng cộng 74 lò phản ứng hạt nhân. Trong số đó, 13 nhà máy đang hoạt động, số còn lại sắp được hoàn thiện hoặc đang được mở rộng.
Debarati Guha-Sapir, một đồng tác giả của nghiên cứu nhận định, ảnh hưởng của thiên tai sẽ nghiêm trọng hơn khi cộng hưởng với công nghệ.
Các nhà khoa học cho biết, khu vực Nam Á và Đông Nam Á đang đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng hạt nhân được kích hoạt bởi một trận sóng thần vì sự gia tăng số lượng nhà máy điện hạt nhân ở khu vực này, đặc biệt là ở Trung Quốc – nơi có 27 trong tổng số 64 nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng trên thế giới. Thêm vào đó, “Điểm quan trọng nhất là 19 trong tổng số 27 nhà máy này (2 ở Đài Loan) được xác định là nằm trong khu vực nguy hiểm.”
Trong khi đó, có 7 nhà máy ở Nhật Bản (1 đang được xây dựng) được xác định nằm trong khu vực nguy hiểm; Hàn Quốc cũng đang mở rộng 2 nhà máy ở khu vực nguy hiểm. Ấn Độ có 2 nhà máy và Pakistan có 1 nhà máy có nguy cơ hứng chịu sóng thần.
Cũng theo nghiên cứu, chúng ta cần rút kinh nghiệm từ thảm họa hạt nhân Fukushima. Thảm họa này đã xảy ra ở một nước phát triển với đỉnh cao công nghệ và hiểu biết sâu về hạt nhân nên hậu quả sẽ còn khủng khiếp hơn khi sóng thần xảy ra ở một nước kém phát triển hơn.
Nghiên cứu kêu gọi các quan chức ngành năng lượng tại các khu vực nguy cơ sóng thần cân nhắc về cách thức ứng phó với những hậu quả có thể thể xảy đến từ một thảm họa tiềm tàng.
(theo: thiennhien)