3CElectricTin tứcTin tức liên quanViệt Nam bước đầu phát triển điện bằng năng lượng gió

 

nag-luong-dien-bang-gio

Phong điện: nguồn điện tương lai

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thuỷ điện và phong điện hay điện gió được xem là nguồn điện sạch; ít gây ô nhiễm khí “nhà kính”.

Nhưng, nếu thuỷ điện ẩn chứa những hiểm hoạ đối với các cộng đồng dân cư, thì điện gió thân thiện và hiền hoà đối với con người. Nếu xem thuỷ điện là nguồn điện “già”, thì phong điện hay điện gió được gọi là nguồn điện trẻ. Vì trong khi thuỷ điện đã và đang đóng vai trò lớn trong nền công nghiệp điện nhiều nước, điện gió chỉ mới được chú ý đầu tư và khai thác khoảng 5 - 10 năm trở lại đây.

Riêng ở Việt Nam, tại thời điểm cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 này, thuỷ điện đã đóng góp đến 1/3 nhu cầu sử dụng điện của cả nước, nhưng điện gió hầu như chỉ mới ở mức xuất phát. Vì vậy, sự xuất hiện trong năm 2012 này các nhà máy điện gió, một ở tỉnh Bình Thuận thuộc miền nam Trung Bộ và một ở tỉnh Bạc Liêu thuộc miền tây Nam Bộ có thể xem như những điểm sáng hay các điểm đột phá ấn tượng mở đường xây dựng nền công nghiệp phong điện của nước ta.

Việt Nam: Bình Thuận đi đầu

Với điều kiện địa lý thuận lợi của một địa phương có bờ biển dài, lượng gió nhiều và phân bổ khá đều quanh năm, tính đến cuối tháng 1 năm 2012 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã xây dựng 16 dự án điện gió với tổng công suất dự tính khoảng 1.300 MW. Trong đó có 5 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, 9 dự án đã hoàn thành báo cáo đầu tư trình xin cấp giấy chứng nhận, 2 dự án đang trong giai đoạn khảo sát lập hồ sơ dự án đầu tư.

Trong số 16 dự án nói trên, Dự án Nhà máy điện gió Tuy Phong, đặt tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) đầu tư được triển khai đầu tiên.

Toàn bộ dự án, khi hoàn thành, sẽ có 80 tuabin với tổng công suất 120 MW, sử dụng công nghệ hiện đại của Cộng hòa liên bang Đức.

Giai đoạn 1 của dự án gồm 20 trụ điện gió (tuabin) chiều cao cột 85 m, đường kính cánh quạt 77 m, công suất 1,5 MW/tuabin; tức tổng công suất của giai đoạn này là 30 MW. Và mỗi năm dự tính sản xuất khoảng gần 100 triệu kWh điện. Đến cuối quý 1 năm nay, giai đoạn 1 đã hoàn thành cơ bản; bao gồm các khâu lắp đặt, đưa vào vận hành và đấu nối với lưới điện quốc gia. Và Nhà máy điện gió Tuy Phong 1 đã chính thức được khánh thành, đi vào hoạt động từ ngày 18/4/2012. Đây cũng là nhà máy điện gió đầu tiên của cả nước chính thức đi vào hoạt động.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2 của dự án chuẩn bị khởi công xây dựng và lắp đặt 60 trụ điện gió (hay tuabin), nâng tổng công suất của toàn bộ Nhà máy Phong điện Tuy Phong lên 120 MW.

Ở tỉnh Bình Thuận, sau Dự án Tuy Phong đã hòa mạng lưới điện quốc gia giai đoạn 1 và chuẩn bị thi công giai đoạn 2, dự án điện gió ở đảo Phú Quý với 3 tuabin, tổng công suất 6 MW đã lắp đặt xong và thử vận hành an toàn, bình thường. Nguồn điện gió Phú Quý, khi chính thức hòa vào dòng điện của nhà máy điện Diesel hiện có tại đảo, thì đảo Phú Quý sẽ có điện 24/24 giờ.

Ngoài ra, cũng ở Bình Thuận, một dự án điện gió tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình cũng trong giai đoạn thi công và một số dự án khác đang chuẩn bị triển khai.

Với các dự án nói trên, rõ ràng, tỉnh Bình Thuận đang đi đầu trên con đường phát triển điện gió ở Việt Nam.

dien-phong-bac-lieu

Nam Bộ: Bạc Liêu đi tiên phong

Dự án điện gió trên biển đầu tiên nước ta ở tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành giai đoạn 1 với tuabin thứ 10 lắp đặt thành công vào chiều ngày 2/10/2012.

Toàn bộ Nhà máy điện gió Bạc Liêu được đặt dọc theo đê biển Đông, kéo dài từ phường Nhà Mát đến ranh giới tỉnh Sóc Trăng và chiểm tổng diện tích gần 500 ha.

Ở đây, các tuabin gió được sản xuất tại Mỹ, làm bằng thép đặc biệt không gỉ, cao 80m, đường kính 4m, mỗi tuabin có 3 cánh quạt, mỗi cánh dài 42 m, làm bằng nhựa đặc biệt, có hệ thống điều khiển giúp cánh quạt tự gập lại khi gặp thời tiết xấu, bão lớn.

Dự án có vốn đầu tư khoảng 5.200 tỷ đồng do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Du lịch Công Lý (Cà Mau) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công năm 2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2013.

Trong giai đoạn 1 đã hoàn thành lắp đặt 10 cột (hay tuabin), công suất tổng cộng của giai đoạn này là 16 MW và điện năng sản xuất dự tính khoảng 56 triệu kWh/năm.

Giai đoạn 2 của dự án sẽ xây lắp tiếp 52 tuabin gió còn lại. Sau khi hoàn thành, Nhà máy điện gió Bạc Liêu sẽ có tổng số 62 tuabin với tổng công suất trên 99 MW và điện năng sản xuất ra khoảng 320 triệu kWh/năm.

Nhà máy điện gió Bạc Liêu là một điển hình về việc thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào ngành điện nói chung và đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo nói riêng.

Từ kinh nghiệm này, mới đây UBND tỉnh Trà Vinh, Tập đoàn EAB (Đức) và Công ty CP Thương mại Sản xuất và Dịch vụ tổng hợp Trasesco đã phối hợp thực hiện dự án đầu tư năng lượng gió tại Duyên Hải – Trà Vinh với 20 tổ máy, tổng công suất 30 MW, sản xuất bình quân 75 triệu kWh/năm. Một số địa phương khác ở Nam Bộ cũng đang xây dựng dự án điện gió cho địa phương mình.

Như vậy, Bạc Liêu, với dự án điện gió ven biểu đầu tiên hoàn thành giai đoạn 1, trở thành tỉnh tiên phong ở Nam bộ hay vùng đồng bằng sông Cửu Long trên con đường phát triển loại điện năng tái tạo mới này.

Cần những biện pháp đòn bẩy

Cùng với sự phát triển nền kinh tế đất nước, nhu cầu cung cấp điện năng ngày càng lớn. Và điện gió đang được kỳ vọng như là một trong những nguồn điện của tương lai, xếp hàng sau điện hạt nhân nhưng đứng trước các nguồn điện dùng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện sinh khối v.v. ...

Chính phủ, trong Tổng sơ đồ điện VII, đã đưa ra mục tiêu nâng tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000 MW (tương đương công suất 1 lò phản ứng hạt nhân) vào năm 2020, và khoảng 6.200 MW (tương đương công suất 6 lò phản ứng hạt nhân) vào năm 2030; tức điện năng sản xuất từ nguồn điện gió sẽ chiếm tỷ trọng từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030.

Mục tiêu đó so với nhu cầu còn khiêm tốn, nhưng thực hiện cũng hoàn toàn không dễ, nếu tính đến những yếu điểm về công nghệ, về tính kinh tế và cả về mặt tác động môi trường của loại điện năng này. Để đạt các chỉ tiêu trong Tổng sơ đồ điện VII không thể thiếu những biện pháp đòn bẫy, trước hết là một loạt chính sách đầu tư và khuyến khích của nhà nước.

(Theo: Vietnamnet)