Chủ động giảm tồn kho
Công ty Vinacap có thế mạnh chuyên sản xuất cáp viễn thông, cáp đồng, cáp tín hiệu, cáp quang. Thời kỳ cao điểm, công ty cung cấp đơn hàng cáp viễn thông lên tới hàng triệu USD phục vụ dự án hạ tầng viễn thông. Năm 2007, với sự liên kết và hỗ trợ từ Công ty Ðiện lực 1, nay là Tổng công ty Ðiện lực miền Bắc-EVNNPC (Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam-EVN), công ty đã đầu tư sản xuất các loại cáp điện hạ thế, dây cáp điện dân dụng. Sản phẩm dây cáp điện Vinacap khá đa dạng. Riêng dây cáp điện dân dụng cũng có tới hàng trăm loại. Ðến nay, sản phẩm dây cáp điện Vinacap đã có mặt rộng khắp trên thị trường. Công ty đã mở được đại lý cấp một tại hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nhân viên Công ty Vinacap hướng dẫn khách hàng sử dụng điện thoại thông minh Avio Sen.
Tổng Giám đốc Vinacap Ngô Hồng Quân cho biết: Năm 2012, kinh tế trong nước tiếp tục khó khăn, nhu cầu về cáp sụt giảm mạnh và phải cạnh tranh quyết liệt trên thị trường khiến hoạt động sản xuất kinh doanh hết sức khó khăn, lượng hàng tồn kho tăng cao. Vào những tháng đầu năm, có thời điểm giá trị tồn kho lên tới hơn 300 tỷ đồng, hàng hóa gần như không thể tiêu thụ được, làm nợ vay ngân hàng lên tới hàng trăm tỷ đồng với lãi suất rất cao, công ty đứng trước nguy cơ khủng hoảng thanh toán. Trước đây, khi thị trường tiêu thụ mạnh, công ty có thể đạt doanh số bán dây cáp 20-25 tỷ đồng/tháng, nay do thị trường sụt giảm mạnh nên mỗi tháng cố gắng duy trì ở mức 6-8 tỷ đồng.
Trước hoàn cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã không chịu nổi sức ép thực hiện việc xả hàng bằng mọi giá, dẫn tới vỡ kênh phân phối, mất quan hệ với các đại lý, nên không thể phục hồi được sản xuất, dẫn tới đóng cửa và phá sản. Ðể từng bước tháo gỡ khó khăn, Công ty Vinacap đã thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp: Sắp xếp lại bộ máy cho gọn nhẹ, cắt giảm chi phí không cần thiết, giảm giá thành sản phẩm, hỗ trợ đại lý tiêu thụ hàng hóa, củng cố mạng lưới dịch vụ sau bán hàng... Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, Vinacap đã giảm được tới hơn 50% lượng hàng tồn kho, giảm vốn vay ngân hàng với lãi suất cao, giữ được thị trường.
Trong công tác quản trị doanh nghiệp, công ty phấn đấu điều hành linh hoạt trên cơ sở bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tuân thủ các quy định của pháp luật. Công ty hết sức coi trọng bảo đảm công ăn việc làm, ổn định đời sống cho CBCNV. Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, công ty không những không tinh giản lao động mà còn tuyển thêm lao động; bố trí, điều chuyển lao động một cách hợp lý giữa các lĩnh vực hoạt động, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh ngày càng mở rộng. Năm 2012, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn nhưng công ty phấn đấu đạt doanh thu hơn 1.200 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 50 tỷ đồng.
Phát triển thiết bị viễn thông và dịch vụ ứng dụng
Trước tình hình sản xuất khó khăn, công ty một mặt cơ cấu lại khâu sản xuất, mặt khác mạnh dạn chuyển sang kinh doanh và hợp tác sản xuất thiết bị đầu cuối tích hợp gói cước của VNPT như máy tính HP 3G, điện thoại Avio... Ðến nay, nhờ giá thành rẻ, phù hợp số đông người tiêu dùng (từ hơn 400 nghìn đến gần 1,6 triệu đồng/chiếc), chủng loại đa dạng, chất lượng bảo đảm, nên điện thoại di động Avio kèm gói dịch vụ Vinaphone đã tiêu thụ được hơn 1 triệu chiếc/năm, đạt doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng. Các sản phẩm 3G của công ty cũng được phát triển mạnh như USB 3G kết nối in-tơ-nét di động, camera 3G... Nhờ đó, công ty tạo ra sản phẩm mới, tạo công cụ bán hàng cạnh tranh cho viễn thông các tỉnh, mở rộng thị phần, phát triển thuê bao di động, cùng các đơn vị thành viên VNPT đẩy mạnh kinh doanh, cạnh tranh hiệu quả với các đối thủ trong lĩnh vực dịch vụ di động.
Ðể nâng cao giá trị thiết bị, công ty thành lập hẳn một bộ phận chuyên nghiên cứu, phát triển (R&D) phần mềm ứng dụng trên thiết bị đầu cuối. Vừa qua, công ty đã chính thức cung cấp điện thoại thông minh (smartphone) sử dụng mạng 3G chạy hệ điều hành Android tại Việt Nam, với việc ra mắt dòng sản phẩm Avio Sen S1, S2 và S3. Các sản phẩm có chất lượng, đặc tính kỹ thuật mạnh tương đương các loại điện thoại thông minh đang bán trên thị trường nhưng giá chỉ bằng 30%. Mặc dù mới tung ra thị trường nhưng sức tiêu thụ Avio Sen rất khả quan, khách hàng phản hồi tích cực. Lãnh đạo công ty cho biết, không chỉ kinh doanh thiết bị phần cứng mà ngay trên các sản phẩm điện thoại của công ty, Vinacap đã phối hợp các công ty ứng dụng dịch vụ trong nước để phát triển các tiện ích, ứng dụng gia tăng trên điện thoại, nhất là loại điện thoại thông minh, xu hướng phổ biến hiện nay của khách hàng.
Mặc dù còn chưa hết khó khăn, song Vinacap tiếp tục tập trung củng cố kênh phân phối thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm thiết bị đầu cuối di động, gia tăng ứng dụng trên máy... để trở thành công cụ hỗ trợ tốt cho phát triển di động của VNPT. Công ty cũng tiếp tục tìm kiếm đối tác cùng đầu tư để nâng cao chất lượng, giảm giá thành các sản phẩm dây cáp điện, thiết bị điện để nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm. Phấn đấu bảo đảm doanh thu lĩnh vực sản xuất công nghiệp chiếm 30% tổng doanh thu toàn công ty. Ðồng thời, chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu các sản phẩm để giảm bớt sức ép từ khó khăn của thị trường trong nước.
(Theo: nhân dân)