Theo đánh giá của ngành điện và than, việc duy trì giá năng lượng thấp của Việt Nam đang tạo lợi thế cho doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.
Sản xuất thép tại một doanh nghiệp cổ phần tại Hà Nội. Ảnh: CTV.
Xuất càng nhiều, càng lo
Số liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tho thấy, lượng thép sản xuất trong nước năm 2010 ước đạt hơn 8.700.000 tấn, tăng 26,12% so với năm 2009. Trong đó tăng mạnh là sản lượng thép cuộn và dải cán nguội với mức tăng tới hơn 36%, thép thanh tăng gần 25%. Lượng thép xuất khẩu 1,3 triệu tấn, tăng 30%, và lượng thép nhập khẩu giảm khoảng 15% so với năm trước.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, ước cả năm 2010, sản lượng xi măng tiêu thụ cả nước đạt gần 50 triệu tấn; clinker nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn; clinker và xi măng xuất khẩu gần 1 triệu tấn. Dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng của cả nước năm 2011 khoảng 56 triệu tấn, trong khi đó năng lực sản xuất xi măng trong nước năm 2011 đạt khoảng 59 triệu tấn, dư thừa khoảng 2-3 triệu tấn để xuất khẩu. Tuy nhiên, mặt hàng xi măng, clinker không phải là mặt hàng cấm nhập khẩu, hoặc nhập khẩu có điều kiện, do đó vẫn có nhập khẩu và xuất khẩu mặt hàng này.
Việc ngành thép và xi măng không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước mà còn đủ để xuất khẩu là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, ngành điện và ngành than, hai đơn vị cung ứng nguồn nhiên liệu chính cho sản xuất của ngành thép và xi măng lại rất lo ngại về việc này.
Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị ngành thép tự xây dựng nhà máy điện để phục vụ sản xuất. EVN cho rằng, hiện giá bán điện cho các nhà máy thép tại Việt Nam bình quân là 909,28 đồng/kWh thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Các nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ thuận lợi này để vào Việt Nam sản xuất thép, sau đó xuất khẩu ra nước khác kiếm lời.
Không để lấy lỗ ngành này làm lãi của ngành khác
Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, năm 2011, dự kiến nhu cầu than trong nước tăng khoảng 3,5-4 triệu tấn, trong đó than cho điện tăng 2.400 ngàn tấn; than cho xi măng tăng khoảng 800 ngàn, than cho phân bón, hoá chất, luyện kim tăng khoảng 600 ngàn, các hộ khác dự kiến tương đương năm 2010.
“Cần xem lại câu chuyện giá than bán cho các hộ sản xuất. Hiện giá than thấp nên có hiện tượng doanh nghiệp khai tăng nhu cầu sử dụng. Trong thực tế, có tình trạng sau khi các hộ tiêu dùng mua than xong, rất khó kiểm soát, vì tập đoàn không có quyền kiểm soát họ dùng vào mục đích gì, cho sản xuất hay dùng để xuất khẩu”, ông Hùng nói.
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, cho rằng, lâu nay giá than bán cho điện và các hộ tiêu thụ khác như xi măng, hóa chất còn có tình trạng bao cấp, nên không theo đúng giá thị trường. Việc giữ giá các nguồn nguyên liệu đầu vào thấp như bấy lâu nay là không ổn. Cần phải nâng giá than, giá điện cũng phải điều chỉnh để thu hút đầu tư. “Các nguồn than, điện đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn. Hơn nữa đây là nguồn nguyên liệu không phải vô tận nên việc sử dụng chính sách giá rẻ như hiện nay là không hợp lý”- ông Ngãi nói.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách năng lượng giá rẻ của Việt Nam cần được sớm điều chỉnh. Với mức đầu tư từ 2.000 - 2.500 USD để tạo ra một MW điện, để đáp ứng lượng điện cho riêng ngành thép trong năm 2010, ngành điện phải bỏ ra một số tiền tương đương 2 tỷ USD. Đây là khoản đầu tư rất lớn trong khi năm 2009 ngoài phục vụ trong nước, ngành thép chỉ xuất khẩu được 440 triệu USD, năm 2010 xuất khẩu được khoảng 1,1 tỷ USD.
Với ngành than, việc đầu tư tới 300 triệu USD để mở một mỏ than mới công suất 2 - 2,5 triệu tấn để phục vụ cấp than cho xi măng cũng rất lãng phí. Việc này cần sớm điều chỉnh, tránh việc lỗ của ngành này là nguồn lợi nhuận của các doanh nghiệp khác.
(Theo baocongthuong.com.vn)