Theo lãnh đạo Công ty TNHH Vật liệu Xanh, nhiều năm qua, vấn đề ô nhiễm môi trường do xỉ thép gây ra đã gây bức xúc cho người dân lân cận các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Năm 2009, công ty bắt đầu tiến hành nghiên cứu về xỉ thép phát sinh từ các nhà máy thép trên địa bàn tỉnh và gửi mẫu cho các viện, trung tâm phân tích và thí nghiệm để xác định thành phần và tính chất hóa lý của xỉ thép. Đồng thời khảo sát thực địa, tham quan công nghệ xử lý xỉ thép tại một số nước đang triển khai có hiệu quả và tham vấn các nhà khoa học để từ đó đề xuất công nghệ tái chế xỉ thép phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương.
Sau thời gian nghiên cứu, đến nay, dự án tái chế xỉ lò điện hồ quang từ các nhà máy luyện thép trên địa bàn tỉnh đã được công ty đưa vào chạy thử nghiệm. Xỉ thải của ngành công nghiệp sản xuất thép sau khi sàng, tuyển tận thu sắt quay lại chế biến, phần còn lại có thành phần hóa, khoáng gần giống như thành phần hóa và khoáng của xi măng mác thấp, khi nghiền mịn và hoạt hóa với nước có khả năng đóng rắn và cường độ. Vì vậy, đây sẽ là nguồn nguyên liệu rất lớn phục vụ ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như: làm phụ gia cho xi măng để tăng sản lượng; làm nguyên liệu để sản xuất vật liệu không nung như gạch block, bê tông xi măng cốt liệu, nguyên liệu để sản xuất bê tông khí chưng áp, bê tông bọt…
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự án đầu tư nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng từ xỉ lò điện hồ quang có công suất 1.000 tấn/ngày tại Bà Rịa-Vũng Tàu là dự án đầu tiên về tái chế xỉ thép tại Việt Nam được Bộ thẩm định và thông qua. Các sản phẩm của dự án bao gồm gạch không nung, xỉ thay thế cho vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, vật liệu lọc dùng cho xử lý nước thải… Ông Phạm Văn Bắc - Vụ phó Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng - khẳng định: Sản phẩm xỉ thép sau khi được xử lý bằng công nghệ của công ty hoàn toàn có thể sử dụng để sản xuất gạch không nung, không ảnh hưởng đến môi trường. Dự án phù hợp với Chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, việc sử dụng xỉ thép sau xử lý thay thế cho các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên đáp ứng được vấn đề bảo vệ môi trường, hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải theo chủ trương của Nhà nước.
Để sớm đưa dự án tái chế xỉ thép đi vào hoạt động nhằm giải quyết những bức xúc về xử lý xỉ thép, bảo vệ môi trường trong ngành thép… Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường) đã có văn bản thông báo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Đồng thời, yêu cầu công ty hoàn thiện thủ tục để đưa dự án đi vào hoạt động theo đúng tiến độ (dự kiến tháng 10/2011).
( Theo : baocongthuong )