3CElectricTin tứcTin tức liên quanĐèn LED sử dụng năng lượng mặt trời sẽ thắp sáng các nước nghèo nhất thế giới



Câu chuyện của những người nghèo


alt
Một số loại đèn LED sử dụng năng lượng mặt trời



Cơ quan Năng lượng Thế giới (IEA) cho biết đang có 1,3 tỷ người (khoảng 20% dân số toàn cầu) sống trong tình trạng không có điện. Những người này sống chủ yếu ở Châu Phi (vùng gần sa mạc Sahara) và bán đảo Ấn Độ.

Theo tiến sỹ Evan Mills từ Đại học California, ánh sáng từ các nguồn sử dụng xăng dầu vừa đắt đỏ, ô nhiễm, mù mờ mà lại còn nguy hiểm. Kết quả một nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp cho thấy nguồn ánh sáng “ô nhiễm” này làm tiêu tốn hàng năm 77 tỷ lít xăng trên toàn thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc những con người nghèo khổ phải chi trả 38 tỷ USD cho việc thắp sáng, nếu tính ra chi phí cho 1 lumen – đơn vị đo độ sáng – thì người không có điện đang phải trả hơn người có điện hàng trăm lần. Nếu một chiếc đèn dầu được thắp trung bình 4 giờ/ngày sẽ thải ra 100 kg CO2/năm. Kết quả là việc đốt xăng dầu để thắp sáng trên thế giới sẽ sinh ra 190 triệu tấn CO2/năm. Thêm vào đó, người ta khó có thể làm việc trong môi trường ánh sáng mù mờ của nến hay đèn dầu.

Theo Patrick Avato, giám đốc chương trình Thắp sáng Châu Phi (Lighting Africa) đồng thời là chuyên gia về năng lượng và thay đổi khí hậu tại Tổ chức Tài chính Thế giới (IFO), cái gì gây hại cho không khí thì cũng gây hại cho phổi của con người. Không khí trong nhà bị ô nhiễm do khí thải từ đèn dầu qua thời gian sẽ gây ra các vấn đề về hô hấp. Chết người do hỏa hoạn bất ngờ xảy ra khi sử dụng đèn dầu ở các nơi chật hẹp cũng là một vấn đề đáng quan tâm.

Một sản phẩm mới ra đời

Rõ ràng giải pháp cho vấn đề thắp sáng ở các nước nghèo là mở rộng đường dây điện tuy nhiên việc này không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Trong vài năm qua, một giải pháp thay thế có thể áp dụng ngay và thân thiện với môi trường hơn nhiều đã được đưa ra.

Đó là đèn LED sử dụng năng lượng mặt trời.Nhờ vào những ưu thế của đèn LED như kích cỡ nhỏ, độ sáng cao và tiêu thụ ít năng lượng, và chi phí sản xuất bóng đèn LED và pin mặt trời ngày càng giảm xuống, rất nhanh chóng một ngành công nghiệp đã hình thành để cung cấp các giải pháp chiếu sáng không cần điện cho một thị trường rộng lớn phân bố khắp các quốc gia đang phát triển.

Cosmos Ignite, một công ty có trụ sở ở New Delhi, đã tung ra thị trường một chiếc đèn với tên gọi MightyLight rất bền, nhỏ gọn có thể bỏ túi và không thấm nước với thời lượng chiếu sáng 12 giờ cho một lần sạc nhờ mặt trời ở giá chỉ 25 USD. Chugh, người sáng lập Cosmos Ignite, cho biết hiện có khoảng 100.000 người sử dụng chiếc đèn này trên toàn thế giới, từ đứa trẻ muốn làm bài tập về nhà tới những cửa hàng tạp hóa muốn mở thêm buổi tối hay những người đánh cá đêm.


alt
1,3 tỷ người đang sống trong tình trạng không có điện


Ông và người đồng sáng lập Matt Scott đã xây dựng mô hình kinh doanh của họ dựa trên ý tưởng những người nghèo nhất sẽ dẫn dắt những đột phá về thương mại. Và quả thực MightyLight đã nhắm đúng khách hàng mục tiêu hay nói cách khác, Chugh và Matt Scott đã phát triển đúng sản phẩm mà khách hàng của họ cần. Nhờ vậy, chiếc đèn này còn hấp dẫn với cả những người giàu ở New York.

Theo Avato, các doanh nghiệp sẽ phải tốn kha khá thời gian để thuyết phục các nhà đầu tư đây là một thị trường tiềm năng. Và rõ ràng các số liệu đã chỉ ra điều đó: hàng năm người Châu Phi sử dụng 10 tỷ USD vào đèn dầu và có 600 triệu người đang sống không có điện.

Trong một buổi hội thảo về Thắp sáng Châu Phi vừa được tổ chức ở Nairobi, Avato công bố có trên 50 công ty đang giới thiệu các sản phẩm chiếu sáng không cần điện của mình. Các công ty đã giúp ít nhất 1,5 triệu người Châu Phi tiếp cận thứ nguồn sáng có thể tái tạo, không cần điện với mức giá rẻ.

Theo tiến sỹ Mills, mô hình kinh doanh này của các doanh nghiệp vừa giúp ích cho xã hội, vừa mang lại lợi ích thiết thực cho môi trường.

Theo Hiendaihoa