3CElectricTin tứcTin tức liên quanBiến rác thải thành năng lượng: Cánh cửa còn để ngỏ

 

3ce.vn-Tủ mạng, tủ điện, nhà trạm BTS
Một bãi rác tập trung đang trong tình trạng quá tải ở làng nghề làm miến Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội).  Ảnh: Báo Lao động

Trong khi đó, TP.HCM mỗi năm tiêu tốn hơn 235 tỉ đồng cho việc xử lý 7.000 tấn rác/ngày. Chưa bao giờ việc xử lý rác thải lại đặt ra nhiều thách thức nặng nề cho chính quyền như hiện nay. Và một giải pháp (đã được các bạn láng giềng áp dụng) được xem là “cứu cánh” cho nước ta: Biến rác thải thành năng lượng – liệu có thể hiện thực hóa?

Trước tình trạng có thể coi là S.O.S cho vấn đề xử lý rác thải rắn, nhiều nhà khoa học đã vào cuộc “mời gọi” VN tham gia vào công cuộc “giải cứu” môi trường theo cách của các nước bạn láng giềng và nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đang áp dụng: Công nghệ đốt chất thải rắn tái tạo năng lượng (viết tắt WtE). Nếu như ở VN, WtE còn quá lạ lẫm thì các đô thị lớn thế giới đã áp dụng công nghệ này từ nhiều năm nay khá thành công.

WtE sử dụng một dây chuyền khép kín từ khâu xử lý, chọn lọc phân loại rác, xử lý tiêu hủy rác và biến nguồn rác thải này thành nguồn nhiệt điện và nguyên liệu (kính, gạch). Giới khoa học đánh giá rất cao WtE bởi giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường từ rác, giảm khối lượng rác lên đến 90%, tạo năng lượng, nguyên liệu và không hề tiêu tốn quỹ đất. Một tính năng được xem là rất ưu việt của công nghệ này chính là tự động phân loại rác ngay từ bước đầu tiên – hành vi vốn rất khó thực hiện ở người dân khi đi đổ rác.

Nhiều nhà khoa học VN đã biết tới công nghệ WtE và khẳng định rác là một nguồn tài nguyên đang bị lãng phí tại VN. Nghĩ vậy và công nhận vậy, song trả lời cho câu hỏi tại sao VN lại không mau mau chóng chóng đưa công nghệ này áp dụng để “cứu nguy” cho môi trường thì quả không dễ! Vấn đề là không phải cứ có tiền đầu tư công nghệ rồi đổ rác vào thì sẽ ra năng lượng ngay được như các nước khác vẫn làm.

Điều này được TS Nguyễn Trung Việt – Sở TNMT TP.HCM “mổ xẻ” khá thú vị: “WtE mà ra đời thì chỉ có nước đi cạnh tranh với… các chị đồng nát! TP.HCM hiện có 800 cơ sở thu gom phế liệu, với tính năng tái chế được từ rác thải rắn công nghiệp, rõ ràng cần so sánh kinh tế giữa việc tái chế rác và mang rác đi đốt. Với rác thải điện tử, tôi đố ai tìm được một mẩu rác này ở bãi rác của thành phố! Người dân cũng đang tích cực biến rác thành tiền và đang làm điều đó rất hiệu quả nên sẽ là cạnh tranh với việc áp dụng WtE”.

Ông Việt làm một phép so sánh, với 1.000 tấn bóng đèn neon thải bỏ, người dân có thể thu về 42 triệu đồng từ việc tái chế. Còn với 1.000 tấn giẻ lau dầu, quá trình tái chế thu về lượng tiền tương đương 7 triệu đồng. Thậm chí, nguồn rác thải rắn y tế như nhựa, mika các loại… sau khi khử độc cũng hoàn toàn có thể mang đi tái chế như thường.

Tuy nhiên, nói vậy không phải là quá bi quan cho việc áp dụng WtE tại VN. Thực tế những năm gần đây, đã ra đời một số mô hình đốt chất thải tái tạo năng lượng quy mô nhỏ. Cty Môi trường đô thị (Urenco) – đơn vị vận chuyển rác lớn nhất Thủ đô – mỗi ngày thu được từ 60 – 70 tấn rác hữu cơ mang đi xử lý.

Từ rác thải, TT Nghiên cứu chuyển giao Công nghệ Môi trường đã nghiên cứu công nghệ biến chúng thành gạch và bê tông giá rẻ hơn nhưng chất lượng tương đương gạch và bê tông thương phẩm, nhưng vẫn chỉ ở quy mô nhỏ. Về điều này, ông Nguyễn Trung Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường – Bộ Xây dựng – cho biết: “Rào cản lớn nhất để đầu tư WtE triệt để tại VN là chi phí đầu tư, cả HN và TP.HCM đều khó làm được, bởi chính sách thì có nhưng không phải DN nào cũng có khả năng tiếp cận.

Lựa chọn công nghệ nào phù hợp là của chính quyền địa phương và nhà đầu tư”. Nhiều nhà khoa học cũng đồng tình khi cho rằng nhìn về mặt hiệu quả kinh tế, phương pháp WtE không có lợi thế. Nhưng nếu quan tâm tới những hiệu quả ẩn “thoát” ra khỏi khía cạnh kinh tế, phương pháp này sẽ để lại môi trường sạch cho thế hệ tương lai. Và vì thế, để WtE có mặt tại VN, vẫn còn là câu chuyện đáng bàn… dài dài!

( Theo : baolaodong )