3CElectricTin tứcTin tức liên quanChuyển giao công nghệ trong ngành cơ khí: Cần chiến lược tổng thể

 

 Ngành cơ khí thời gian qua đã có những thành công bước đầu trong chuyển giao và làm chủ công nghệ. Cụ thể ngay sau khi, Chính phủ có chủ trương nội địa hóa thiết bị nhà máy thủy điện và quán triệt tới tất cả bộ, ngành và các nhà đầu tư, Bộ Công Thương đã giao cho một số đơn vị trong nước thực hiện chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho 8 dự án thủy điện, đồng thời cho phép Viện Nghiên cứu Cơ khí thuộc Bộ tìm mua công nghệ thiết kế.

3ce.vn-Thông tin cơ khí máy móc- Điện -Điện tử
Nhờ chuyển giao công nghệ, nhiều sản phẩm cơ khí mới đã được ứng dụng tại doanh nghiệp.

Do không bị hạn chế về hình thức mua bán công nghệ, Viện đã thực hiện mua thiết kế kỹ thuật cho một dự án rồi thuê chuyên gia nước ngoài sang hướng dẫn ban đầu. Sau đó, Viện tự thiết kế và nhờ chuyên gia nước ngoài thẩm định. Do vậy, chỉ với hơn 100 nghìn USD, Viện làm chủ được công nghệ thiết kế, tiết kiệm nhiều kinh phí cho ngân sách Nhà nước.

Thành công thứ hai là dự án “Thiết kế, chế tạo thiết bị cho nhà máy xi măng lò quay”. Xuất phát từ nhu cầu đầu tư các nhà máy xi măng lò quay với tổng công suất tới 50 triệu tấn/năm, giá trị đầu tư lên tới 7-8 tỷ USD, Viện nghiên cứu Cơ khí đã phối hợp cùng Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) thực hiện dự án với kinh phí nghiên cứu và nhận chuyển giao công nghệ khoảng 30 tỷ đồng. Dự án được áp dụng cho Nhà máy xi măng Sông Thao do Lilama làm tổng thầu và Tập đoàn Xây dựng và phát triển nhà (HUD) làm chủ đầu tư. Giá trị nội địa hóa khoảng 38% giá trị thiết bị.

Theo TS. Nguyễn Chỉ Sáng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Cơ khí, ngoài số ít những kết quả khả quan nêu trên thì do nhiều nguyên nhân khác nhau, hoạt động chuyển giao công nghệ vẫn gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là phát triển ngành cơ khí chưa có sự chỉ đạo nhất quán, đồng bộ nên hoạt động chuyển giao công nghệ chỉ phục vụ cho một lĩnh vực hẹp. Bên cạnh đó, mặc dù chiến lược phát triển khoa học- công nghệ trong ngành cơ khí được xác định là tập trung phục vụ chương trình kinh tế - xã hội lớn nhưng khi đưa ra triển khai lại không có kế hoạch, chương trình hành động thống nhất. Điều này dẫn đến hoạt động chuyển giao công nghệ nói riêng không nhận được sự ủng hộ cần thiết.

Mặt khác việc mua bản quyền công nghệ là phổ biến nhưng tạo ra một đối thủ cạnh tranh với chính người bán. Vì vậy, người bán thông thường đưa ra điều kiện sử dụng rất chặt chẽ khi bán công nghệ hoặc bán với giá rất cao. Ngoài ra, mua thiết kế của thiết bị, thuê chuyên gia cũng là cách phổ biến của việc chuyển giao công nghệ. Phương án này đòi hỏi người mua phải có trình độ và phải được giao nhiệm vụ thực hiện dự án. Rõ ràng, hai yếu tố nguồn tài chính lớn và nhân lực chất lượng cao không phải DN Việt Nam nào cũng đáp ứng được.  

Để việc chuyển giao công nghệ ngành cơ khí thành công, TS. Nguyễn Chỉ Sáng cho rằng, cần xây dựng được chiến lược với các giải pháp tổng thể. Trong đó, phát triển tiềm lực khoa học- công nghệ nói chung, nhận chuyển giao công nghệ nói riêng là một phần không tách rời trong chiến lược này. Xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh để chiếm lĩnh thị trường này như: bảo hộ thị trường, khuyến khích đầu tư, thu xếp vốn, mua bán, nhận chuyển giao công nghệ.

Việc mua bán nhận chuyển giao công nghệ chỉ có thể đạt hiệu quả kinh tế nếu nó được áp dụng, cải tiến, hoàn thiện và ứng dụng ở diện rộng. Về định mức cho các hoạt động chuyển giao công nghệ không nên quá cụ thể và khắt khe. Nên xây dựng một chương trình tổng thể, mục tiêu với những tiêu chí đánh giá cho hoạt động mua bán, chuyển giao công nghệ theo hình thức khoán.

( Theo : baocongthuong )