3CElectricTin tứcTin tức liên quanGhi đậm dấu chân người thợ

 

alt

Ảnh: Thủy điện Sơn La 

VỀ ĐÍCH TRƯỚC NHIỀU MỐC QUAN TRỌNG

Dẫn chúng tôi lên cao độ 228m - điểm cao nhất của Thủy điện Sơn La thời điểm này, nhìn xuống lòng hồ đã được tích nước đầy đủ, nơi trước kia là dòng Đà giang hùng vĩ, anh Chu Đức Triệu - Phó giám đốc chi nhánh Công ty CP Lilama 10 chia sẻ: các đơn vị lắp máy của Lilama đã hoàn thành một mốc chính quan trọng nhất là lắp đặt rôto tổ máy số 1 vào ngày 20/8/2010, bước quan trọng quyết định thời điểm phát điện tổ máy đầu tiên vào ngày 17/12/2010. Rôto là trái tim của tổ máy. Chính vì vậy, việc lắp rôto có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là một trong những mốc kết thúc khâu tổ hợp tuabin và máy phát của một tổ máy thủy điện. Việc lắp đặt rôto an toàn sẽ quyết định thời điểm phát điện tổ máy số 1 vào cuối tháng 12 năm vừa qua và tiếp theo là tổ máy số 2 vào 30/4/2011 tới.

Tại công trình này, Lilama được giao nhiệm vụ lắp đặt toàn bộ các thiết bị cơ khí, đặc biệt là 6 tổ máy với khối lượng thiết bị lên đến 73.000 tấn. Những ngày này, các đơn vị thuộc Lilama đang thực hiện phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, phấn đấu một mốc quan trọng số hai, đưa tổ máy số 2 vào hoạt động và hòa lưới điện quốc gia vào ngày 30/4/2011. Theo kế hoạch, ngày 25/1, các đơn vị thuộc Lilama lắp đặt rôto nặng hơn 1.000 tấn, bộ phận được coi là trái tim của tổ máy. Mặc dù rôto là thiết bị siêu trường, siêu trọng, nhưng đòi hỏi sự chính xác cao. Do vậy, việc lắp đặt phải tuân thủ tuyệt đối quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn cho người thợ và thiết bị. Lilama đã huy động các cán bộ và công nhân kỹ thuật nhiều kinh nghiệm từng tham gia thi công các công trình thủy điện Hòa Bình, Na Hang, Yaly, Bản Vẽ, Sê San... về Sơn La, đảm nhiệm phần việc phức tạp này. Để hoàn thành đúng tiến độ lắp đặt rôto, bảo đảm tiến độ chung của việc đưa tổ máy số 2 vào vận hành, hiện nay, các đơn vị đang làm việc ba ca liên tục với hơn 1.500 cán bộ, công nhân kỹ thuật với phương châm: “tăng cường biện pháp thi công; thêm giờ, thêm ca, vì tiến độ và chất lượng công trình”.

Lên nhà máy lần này, ai cũng háo hức bởi tổ máy số 1 đã hoàn thiện. Chúng tôi “mò mẫm” xuống tận hầm sấy thiết bị của tổ máy số 1. Mặc dù Sơn La đang vào những ngày lạnh giá với nhiệt độ bên ngoài chỉ tầm 10 độ C, nhưng nhiệt độ trong hầm sấy lúc nào cũng duy trì ở mức 60 độ C. Ở đây, có 3 công nhân thay phiên nhau trực 24/24, cứ 3 tiếng thay ca một lần. Lớp mồ hôi rịn trên trán, ướt đầm vai áo công nhân trẻ Nguyễn Thành Tuyên (quê Nam Định), thợ lắp máy bậc 3/7. Tuyên tâm sự: được tham gia xây dựng công trình trọng điểm quốc gia, anh rất tự hào và luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhất công việc được giao. Cái nóng vẫn phả ra hầm hập từ hầm sấy, nhưng Tuyên vẫn nở nụ cười tươi và hăng say nói về công việc của mình. Dường như cái nóng, cái vất vả không làm vướng bận tới người công nhân trẻ này.

Cùng với việc lắp đặt các tổ máy, những người thợ của Lilama đang tập trung thi công, lắp đặt 6 cửa xả mặt của đập thủy điện. Đây là những cánh cửa thép khổng lồ có khối lượng lên đến 200 tấn/chiếc, lắp đặt trong điều kiện khó khăn ở độ cao hơn 200m so với cốt số 0. Trong cái rét cắt da, cắt thịt của vùng Tây Bắc, trên lưng chừng trời, những người thợ lắp máy đang hoàn thiện những phần việc cuối cùng của cửa xả mặt số một. Không giấu được niềm vui trên khuôn mặt đầy sương gió, kỹ sư Nghiêm Đình Vọng thuộc Công ty Lilama 691, người phụ trách thi công tại cửa số một cho biết, theo tiến độ đề ra, thời gian thi công cửa xả số 1 khoảng 7 tháng, tuy nhiên các đơn vị tranh thủ làm ngày, làm đêm phấn đấu rút ngắn xuống còn 6 tháng, kịp hoàn thành trước ngày khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Theo lịch trình, các đơn vị lắp máy cố gắng đến tháng 6/2011 lắp đặt toàn bộ cả 6 cửa van xả, góp phần hoàn thành và đi vào vận hành toàn bộ Nhà máy Thủy điện Sơn La cuối năm 2012, sớm hơn hai năm so với kế hoạch.

Công nhân Nguyễn Phương Duy - quê Thái Bình đã lên làm việc tại công trường được hơn 2 năm. Con đường từ Thủy điện Sơn La về quê tận Thái Bình cũng gần 500km, thế nên một năm Duy cố lắm cũng chỉ về quê được 2 lần. “Tết này do nhà xa quá nên em cũng ăn Tết tại công trường luôn. Nếu tiếp tục được điều động đi Thủy điện Lai Châu, em vẫn tình nguyện đi nhưng chắc... một năm mới về nhà một lần quá chị à” - Duy nói.

Không riêng công nhân, cả với cán bộ trên công trường, mọi người ai cũng xác định tinh thần đến với thủy điện là như đi bộ đội. Anh Triệu mặc dù nhà ở Hà Nội và được gọi là “sếp”, chỉ huy trực tiếp hơn 1.000 công nhân tại công trường, nhưng cũng phải đến 3-4 tháng mới về nhà một lần, anh nói vui - mỗi lần về cũng chỉ “đánh du kích” rồi lại đi! Thời điểm hiện tại, có khoảng 10.000 công nhân đang làm việc tại công trường, riêng Lilama 10 có 950 công nhân. Tết này, sẽ có khoảng nửa số công nhân ở lại ăn Tết tại công trường, thi đua làm 3 ca liên tục, tất cả vì mục tiêu quan trọng tiếp theo là phát điện tổ máy số 2 vào đúng ngày Tết Độc lập 30/4/2011.

CHIẾC XE “KHÔNG CHẤM” ĐI QUA 3 CÔNG TRÌNH THỦY ĐIỆN

Đêm đầu tiên, cả đoàn háo hức được ra thăm công trường. Anh Chu Đức Triệu dẫn chúng tôi ra công trường với chiếc xe Uoat mà anh nói vui là xe “không chấm nào”! Cửa kính lung lay, máy lạnh được thay bằng chiếc quạt con cóc gia cố thêm ở đầu xe. Chiếc xe này với anh Triệu có quá nhiều kỷ niệm. Nó đã theo anh lên công trường Thủy điện Sơn La từ năm 2005. Theo lời anh kể, anh đã cùng nó thuộc từng viên sỏi, hạt cát ở công trường. Còn trước đó, từ những năm 85-87, chiếc xe “không chấm nào” đã theo chân cố Anh hùng Lao động Nguyễn Huyền Chiệc phục vụ nhiều năm trên công trình Thủy điện Hòa Bình. Qua Tết Tân Mão 2011, chiếc xe sẽ lại tiếp tục rong ruổi cùng anh Triệu lên Thủy điện Lai Châu. Bằng chất giọng hài hước của dân công trường, anh Triệu vừa cầm vô lăng, vừa tâm sự: Hiện trên công trường Thủy điện Sơn La vẫn còn khoảng 4 chiếc xe Uoat, nhưng chiếc xe anh đang lái được mệnh danh là “thọ” nhất, vì đã đi qua hai thế kỷ và gắn với 3 công trình thủy điện lớn của Tổ quốc. Có lẽ gắn bó nhiều với nó đến mức mỗi ngày không được cầm vô lăng của nó, không được nghe nó “gầm gừ” là anh thấy như thiếu một điều gì!

Chúng tôi lại lên chiếc xe Uoat “xóc như xóc ốc” để trở về. Đêm đã về khuya, Thủy điện Sơn La vẫn sáng đèn. Nơi ấy, hàng ngàn công nhân vẫn thi đua lao động làm 3 ca liên tục, phấn đấu cho một dấu mốc quan trọng tiếp theo là phát điện tổ máy số 2 đúng thời gian.

Dọc dài đường đi lên Tây Bắc hay trên khắp vùng thảo nguyên Mộc Châu, hoa mận đã nở trắng rừng, báo hiệu một mùa xuân mới đang về. Nhưng Tết Nguyên đán năm nay, cũng như Tết của những năm trước, phần lớn người thợ trên công trường Thủy điện Sơn La nói chung và người thợ lắp máy nói riêng lại ăn tết ở công trường. Với riêng anh Triệu, ăn cái Tết này xong lại tiếp tục hành quân nhận nhiệm vụ tận Lai Châu xa xôi với chiếc U-oat “không chấm”. Nhìn tinh thần làm việc hăng say của những người thợ nơi đây, chúng tôi hiểu được rằng vất vả cũng là một hạnh phúc. Đó là vinh dự được đóng góp một phần công sức cho Tổ quốc có thêm những dòng điện sáng tương lai.

 

(Theo baocongthuong.com.vn)