3CElectricTin tứcTin tức liên quanHà Nội: Nguy cơ thiếu điện trên diện rộng

 

alt

 

 

LƯỚI ĐIỆN QUÁ TẢI NGHIÊM TRỌNG

Với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, Hà Nội được xếp vào danh mục ưu tiên đặc biệt về cung ứng nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, theo Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), hiện nay, hệ thống lưới cấp điện cho Hà Nội có trạm 500 kV Thường Tín cấp trực tiếp; các trạm 500 kV Hòa Bình, Nho Quan cấp hỗ trợ. Lưới 220 kV có 5 trạm biến áp (TBA) với tổng công suất 2.625 MVA, tổng chiều dài đường dây khoảng 403,5 km. Lưới điện 110 kV có 34 TBA với tổng công suất 3.258 MVA, tổng chiều dài đường dây trên 600 km. Lưới điện phân phối có 6.500 km trung áp, 16.500 km hạ áp với tổng công suất các TBA khoảng 6.000 MVA. Năm 2010, sản lượng điện tiêu thụ toàn thành phố đạt 8,91 tỷ kWh, tăng 13,1% so với năm 2009, công suất lớn nhất lên tới 1.900 MW. Sản lượng điện tiêu thụ 7 tháng đầu năm 2011 là 5,4 tỷ kWh, công suất phụ tải cực đại tới 2.030 MW.

Ông Bùi Duy Dụng - Phó Tổng giám đốc EVN Hà Nội - nhận định, hệ thống lưới điện chỉ đáp ứng nhu cầu phụ tải cũng đã khá chật vật. Những ngày nóng nhất vừa qua, Hà Nội đã dùng tới 90% công suất, nghĩa là không còn dự phòng. Chỉ cần 1 MBA bị sự cố là sẽ mất điện trên diện rộng. Dự báo, năm 2012, nhu cầu phụ tải sẽ lên tới 2.400-2.500 MW. Lúc này, nguy cơ quá tải nghiêm trọng sẽ xảy ra ở 6/12 máy biến áp (MBA) 220 kV, 4/14 đường dây 220 kV và 21/58 MBA 110 kV, thậm chí có nơi quá tải tới 159%. Đáng ngại nhất, các phần tử đầy tải và quá tải đều đóng vai trò quan trọng trong sơ đồ cấp điện Hà Nội như các TBA 220 kV Chèm, Hà Đông, Mai Động, các đường dây 220 kV Hòa Bình-Chèm, Hòa Bình-Xuân Mai. Nếu tình hình không được cải thiện thì ngay trong mùa hè năm 2012 sẽ xảy ra tình trạng cả nước đủ điện nhưng Hà Nội có thể phải tiết giảm cắt điện luân phiên tới 15-20% phụ tải. Khu vực bị ảnh hưởng lớn nhất là trung tâm Hà Nội, quận Long Biên và các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Gia Lâm.

CÁC DỰ ÁN ĐỀU VƯỚNG

Để đáp ứng nhu cầu điện cho TP. Hà Nội, trong giai đoạn 2006-2010, EVN Hà Nội đã lên kế hoạch đầu tư 6.850 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp 6 TBA 220 kV (tổng công suất 2.500 MVA) và 137 km đường dây, 4 TBA 110 kV (246 MVA). Tuy nhiên, đến cuối năm 2010, tất cả các công trình lưới điện 220 kV xây mới đều không thực hiện được. TBA 110 kV cũng chỉ hoàn thành 3/4 trạm và khối lượng đường dây 110 kV đạt 13,4%. Các công trình nâng cấp cải tạo TBA 110 kV cũng chỉ đạt 81,6%, đường dây 110 kV chỉ đạt 73,8%. Bên cạnh đó, việc xây dựng các công trình cấp bách, trọng điểm cho TP. Hà Nội theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP.Hà Nội với tổng vốn đầu tư 2.106 tỷ đồng cũng không khá hơn, chỉ 3/11 MBA 220 kV đóng điện được, 9/12 TBA 110 kV được cải tạo và 2/11 TBA 110 kV được xây mới. Riêng đường dây 220 kV và 110 kV thì không xây mới được công trình nào. Nhiều dự án đã được phê duyệt từ nhiều năm nay vẫn chưa được hoàn thành.

Ông Bùi Duy Dụng cho hay, ngoài lý do thiếu vốn, nguyên nhân chính của việc chậm tiến độ là không có mặt bằng để thi công. Do quỹ đất thành phố hạn hẹp nên việc thỏa thuận vị trí trạm và tuyến đường dây rất khó khăn. Thủ tục hồ sơ xin cấp đất cũng rất rườm rà, phức tạp. Có những dự án lưới điện đi qua nhiều địa phương, thủ tục mượn đất thi công và đền bù hoa màu liên quan tới nhiều cấp chính quyền nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, rất nhiều tuyến dây thành phố yêu cầu đi ngầm nhưng kinh phí cho đường dây đi ngầm cao gấp 10 lần đi nổi (đường dây 110 kV đi nổi chi phí hết 6,5 tỷ đồng/km, nhưng đi ngầm phải chi khoảng 75 tỷ đồng/km). Đó là chưa kể thi công đường dây ngầm rất khó khăn về mặt bằng thi công.

Ông Trương Quốc Lẫm, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT), cho biết, ở các địa phương khác xây dựng lưới điện chủ yếu khó khăn trong việc thỏa thuận với người dân về đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB). Nhưng riêng ở Hà Nội, nhà đầu tư gặp khó ngay từ “cửa” các cấp chính quyền, ban, ngành trong công tác thỏa thuận hướng tuyến cho tới việc đền bù GPMB. Đó là chưa kể, sự thiếu nhất quán giữa yêu cầu đo vẽ mặt bằng tuyến trên bản đồ 1/500 và 1/2000 trong các giai đoạn lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật – tổng dự toán dẫn đến kéo dài thời gian thỏa thuận tuyến...

Điển hình nhất là vướng mắc về quy hoạch. Dự án nhánh rẽ 110 kV Trôi cấp điện cho các huyện Hoài Đức, Đan Phượng. Mặc dù ngành điện đã đầu tư gần 70 tỷ đồng hoàn thành xây trạm từ năm 2009, nhưng phần dây lại có đến đến 16/20 vị trí cột để dẫn điện vào trạm bị vướng. Theo thiết kế, cột dẫn vào trạm là cột thép hình chân nhỏ nhưng vì có 3 cột đi qua khu đô thị Lideco, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 yêu cầu sử dụng cột đơn thân nên vẫn chưa giải quyết xong. Bởi mức chênh lệch của việc điều chỉnh này lên tới hàng tỷ đồng do cột đơn thân có giá trị 1,5-3 tỷ đồng/cột, trong khi cột thép cấu hình chân nhỏ khoảng 800 triệu/cột. Ngoài ra, 13 vị trí cột khác đi qua các dự án khu đô thị Bắc 32 và khu đô thị Tân Lập phải thay đổi vị trí, hướng tuyến theo qui hoạch Hà Nội mới được phê duyệt. Kèm theo sự thay đổi này là hàng loạt các bước thủ tục ngành điện đã làm trước đây phải làm lại từ đầu.

TBA 220 kV Vân Trì đã đủ điều kiện đóng điện từ tháng 8/2011, nhưng chưa thể vận hành vì đường dây 220 kV Vân Trì-Sóc Sơn được phê duyệt thiết kế kỹ thuật từ năm 2007 nhưng đến nay mới 5/101 vị trí móng được bàn giao vì các hộ dân không nhận tiền đền bù. Đặc biệt, đoạn tuyến qua Đông Anh năm 2003 đã được Sở Quy hoạch kiến trúc thỏa thuận hướng tuyến đi bên trái đường sắt ga Thạch Lỗi, đến năm 2005, UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại phê duyệt đi bên phải ga khiến việc xin cấp chỉ giới đỏ không thực hiện được.

Cùng chung số phận, TBA 110 kV Tây Hồ Tây đã được phê duyệt địa điểm nhưng vị trí đó lại nằm trong chỉ giới của dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Công viên Hữu Nghị. TBA 110 kV Mỗ Lao đã có đất xây trạm nhưng vẫn chưa thể triển khai vì hơn 2,5 km đường dẫn tuyến vào trạm lại không có trong qui hoạch. Bên cạnh đó, rất nhiều khu đô thị, khu công nghiệp khi duyệt qui hoạch lại không đề cập đến hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hệ thống điện khiến ngành điện không thể chủ động xây dựng các công trình điện...

Khó GPMB đang là yếu tố ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án. Đường dây 220 kV Hà Đông-Thành Công khởi công từ năm 2009, TBA 220 kV Thành Công đã xong từ lâu, NPT cũng đã hoàn thành 3.800/4.000m cáp ngầm, nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ chỉ vì còn 200m chiều dài tuyến cáp chưa có mặt bằng thi công. TBA 220 kV Tây Hồ đã được cắm mốc giới nhưng không thể triển khai vì dân không nhận tiền đền bù. TBA 220/550 kV Tây Hà Nội và Đông Anh thì quỹ đất không đủ xây dựng. Riêng TBA 220 kV Long Biên, thành phố yêu cầu đi cáp ngầm nhưng chi phí đi cáp ngầm lên gần 1.000 tỷ đồng, ngành điện không vay nổi vốn ngân hàng vì dự án bị đánh giá là không hiệu quả….

Tổng quy mô GDP của Hà Nội chiếm hơn một nửa tổng GDP vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 2 về đóng góp ngân sách Trung ương. Kỳ họp thứ 2 HĐND TP.Hà Nội đã thông qua chỉ tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 là 12-13%/năm. Nếu năm 2012 Hà Nội không đủ điện thì các chỉ tiêu trên sẽ khó thực hiện và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP của cả nước.