3CElectricTin tứcTin tức liên quanLễ mừng công phát điện tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện Sơn La

 

alt

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho các tập thể cá nhân

Dự án Thủy điện Sơn La là bậc thang thứ 2 nằm trên sông Đà (sau thủy điện Lai Châu và là bậc trên của thủy điện Hòa Bình). Khu vực nhà máy được xây dựng tại xã Ít Ong, huyện Mường La (Sơn La) có công suất lắp đặt 2400 MW (6x 400MW). Nhiệm vụ chính của Dự án là cung cấp điện lên hệ thống điện Quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm là 10,246 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Công trình được khởi công năm 2005, tổ máy 1 phát điện ngày 17/12/2010, dự kiến khánh thành nhà máy năm 2012. Lượng điện năng bình quân đạt 10,2 tỉ kWh/năm. 19.990 hộ dân với 96.000 nhân khẩu của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã phải di dời tới trên 300 điểm tái định cư để nhường đất xây dựng nhà máy và tích nước lòng hồ. Công trình thủy điện Sơn La hiện nay có cốt xây dựng 215 mét; Diện tích hồ chứa: 224km2 với dung tích nước 9,26 tỉ m3. Kết cấu đập bê tông trọng lực cao 138,1m, chiều dài đỉnh đập 961,6m, công trình có 12 khoang xả sâu, 6 khoang xả mặt. Nhà máy thủy điện kiểu hở, bố trí sau đập

Niềm tự hào lớn nhất của Thủy điện Sơn La là toàn bộ công tác khảo sát, thiết kế và thi công đều được thực hiện bởi kỹ sư và công nhân của 13 nhà thầu thành viên do Tổng Công ty sông Đà làm tổng thầu; EVN làm chủ đầu tư, chuyên gia nước ngoài chỉ đóng vai trò giám sát. Điểm nổi bật nhất của Thủy điện Sơn La là rút ngắn thời gian thi công nhờ việc áp dụng công nghệ thi công bê tông đầm lăn (RCC) và hàng loạt sáng kiến được áp dụng tại công trường như cần cẩu chân què để thử cửa van, cẩu 1200 tấn thay hàng ngoại nhập để cẩu ro to… Nhờ đó, mỗi năm tiết kiệm cho nhà nước khoảng 100 triệu USD, tăng thêm doanh thu khoảng 1 tỷ USD. Đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật LILAMA 10 đã đảm nhận thay thế các chuyên gia ở các khâu kỹ thuật trọng yếu trong quá trình thi công lắp đặt thiết bị. Toàn bộ thiết bị do Alstom cung cấp đã đảm bảo các thông số vận hành về thiết kế, chế tạo và lắp đặt, đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của thiết bị. Để có công trình vĩ đại này, những người thợ ở đây phải đào gần 14,7 triệu m3 đá, xúc vận chuyển trên 20 triệu m3 đất đá, đầm 2 triệu m3 đất nền, đổ gần 5 triệu m3 bê tông (trong đó có khoảng 2,238 triệu m3 bê tông CVC, 2,682 triệu m3 bê tông đầm lăn với những yêu cầu về chất lượng, an toàn rất ngặt nghèo), lắp đặt trên 72.000 tấn thiết bị các loại.

Đây là công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam với thời gian thi công nhanh nhất (sau 5 năm khởi công, tổ máy 1 đã hòa lưới quốc gia, nhanh 2 năm so với tiến độ đề ra). Hiện nay, tổ máy số 1 tiếp tục quá trình chạy thử thách 30 ngày, các thông số đều đạt yêu cầu kỹ thuật. Đến ngày 7/01/2011, tổ máy 1 đã phát được sản lượng khoảng 170 triệu kWh.

Phát biểu tại Lễ mừng công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: việc tổ máy số 1 Dự án Thủy điện Sơn La hòa lưới quốc gia vào thời điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, bổ sung kịp thời công suất cho hệ thống điện quốc gia và là tiền đề để hoàn thành các tổ máy còn lại vào cuối năm 2012. Thủ tướng yêu cầu EVN, UBND các địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục phấn đấu đưa các hạng mục công trình còn lại đạt tiến độ với chất lượng tốt nhất, sớm đưa công trình vào hoạt động, tham gia ổn định cuộc sống cho nhân dân vùng Tây Bắc. Góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước trong thời điểm thiếu điện hiện nay. Trước đó, Thủ tướng đã đi thăm Nhà máy và gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Nhân dịp này, Thay mặt Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho 6 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình tham gia xây dựng công trình.


Dự án Thủy điện Sơn La gồm 3 dự án thành phần:

+ Dự án xây dựng công trình thủy điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư

+ Dự án di dân tái định canh, định cư do UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu làm chủ đầu tư;

+ Dự án các công trình giao thông tránh ngập do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

- Các mốc chính của dự án đã đạt được:

+ Khởi công và ngăn sông đợt 1: ngày 02/12/2005

+ Ngăn sông đợt 2: ngày 23/12/2008

+ Ngăn sông đợt 3 và tích nước: ngày 15/5/2010

+ Khởi động không tải tổ máy 1: ngày 18/11/2010

+ Phát điện tổ máy 1: ngày 17/12/2010

+ Nghiệm thu đưa tổ máy 1 vào vận hành: ngày 25/12/2010

 

(Theo baocongthuong.com.vn)