Năm 2011 miền Bắc thiếu 3 tỷ KW?
- Thưa ông, theo dự báo điện sẽ lại thiếu trầm trọng trong năm 2011?
- Trong 4 năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng của ngành điện dao động 14% - 18%, riêng năm 2010 là 14,73%. Chúng tôi chỉ đáp ứng được 14,25% còn lại là thiếu, chính vì vậy đã dẫn đến tình trạng cắt điện luân phiên trong năm 2010.
Với tốc độ tăng trưởng này, chỉ tính riêng TCty chúng tôi phải cần đến 30 tỷ KW. Nếu cân đối các nguồn ở các nhà máy điện miền Bắc và kể cả mua điện của Trung Quốc cũng chỉ đáp ứng được chừng 70%, còn phải chuyển tải từ miền Nam ra nhưng vẫn không đủ.
Ông Nguyễn Phúc Vinh: Nếu không tăng giá điện hợp lý thì EVN có nguy cơ phá sản.
Tổ máy số một thuỷ điện Sơn La tuy đã hoà lưới điện quốc gia nhưng so với nhu cầu thực tế tăng trưởng thì vẫn chưa đáp ứng nổi. Chúng ta sẽ thiếu khoảng 3 tỷ KW, trong đó 6 tháng đầu năm sẽ thiếu trầm trọng.
Một là EVN lỗ, hai là dân… chịu
- Năm nào ngành điện cũng kêu thiếu nhưng vẫn không thay đổi được gì, phải chăng qui hoạch ngành điện có vấn đề?
- Không phải qui hoạch có vấn đề mà là thực hiện qui hoạch có vấn đề. Gốc của vấn đề thiếu điện là do thiếu vốn đầu tư, ngoài ra còn do khâu giải phóng mặt bằng chậm, trong khi đó nhu cầu sử dụng điện tăng cao mà sử dụng lại không tiết kiệm, hiệu quả. Thời tiết khô hạn kéo dài trong khi tỷ trọng nguồn thuỷ điện là 35%. Nhưng điều cơ bản nhất là giá điện quá thấp không kích thích, không hấp dẫn, không tạo điều kiện đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển. Điều đó lý giải tại sao gần 20 năm nay không có nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư vào nhà máy điện.
- Nói về đầu tư, thưa ông quy hoạch điện VI của ngành điện rất "hoành tráng" và dự kiến hàng loạt nhà máy sẽ phát điện vào năm 2015?
- Qui hoạch điện VI có 36 dự án thì đã khỏi công được 35 dự án nhưng thực tế có những dự án chỉ khởi công lấy ngày, tiến độ triển khai cực kỳ chậm mà nguyên nhân là do thiếu vốn. Do vậy, khó có thể mong chờ các dự án này cán đích vào năm 2015.
- Nếu tình hình thiếu điện xảy ra như dự báo thì những đối tượng nào sẽ bị cắt điện, thưa ông?
- Phải nói rằng mấy năm nay chúng ta thiếu điện triền miên, chúng tôi đã làm hết sức rồi, tận dụng mọi nguồn năng lượng có thể rồi. Những ngày nắng nóng ở miền Bắc lượng điện tiêu thụ tăng đến 30%, cắt điện sản xuất công nghiệp thì vô cùng hãn hữu do vậy phải cắt điện sinh hoạt luân phiên, vùng nông thôn cắt trước rồi thị trấn, thị xã, nếu vẫn không đủ thì thành thị cũng bị cắt luân phiên.
- Thiếu điện là vấn đề quá cũ, ngành điện hẳn đã nhìn ra quá rõ rồi, nhưng sao vẫn ì ra như vậy?
- Chúng tôi đang rất vướng mắc. Chẳng có doanh nghiệp nào ở Việt Nam, thậm chí là trên thế giới lại có "mô hình" sản xuất, kinh doanh như ngành điện. Thị trường chả ra thị trường, bao cấp chả ra bao cấp. Ngành điện được giao nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tự bảo toàn vốn chứ không được bao cấp. Toàn bộ quá trình sản xuất, vật tư, thiết bị… đầu vào phải mua theo giá thị trường nhưng giá bán điện lại do Chính phủ qui định.
- Như thế "bù" lại được cái "độc quyền" còn gì?
- Đấy, người ta cứ nói vậy cứ như ngành điện sướng lắm, được ưu tiên lắm. Phải hiểu thế này, ngành điện có 3 khâu là phát điện, truyền tải và phân phối. Khâu phát điện đã bắt đầu từng bước hình thành thị trường cạnh tranh 4 năm rồi. EVN hiện chỉ sản xuất khoảng hơn 60 % sản lượng điện còn lại là các ngành khác như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than- Khoáng sản …và chúng tôi cũng mua điện của họ theo giá thị trường, do vậy không thể nói là EVN độc quyền. Còn việc truyền tải điện thì do Nhà nước quản lý, trên thế giới nước nào cũng vậy thôi, truyền tải điện không thể kinh doanh. Còn các đơn vị như chúng tôi thì đang bán điện cho khách hàng theo đúng luật điện lực.
- Vậy theo ông, để tiếp cận thị trường thì giá điện sẽ phải tăng bao nhiêu cho một KWh?
- Giá điện sản xuất và đưa đến tay người tiêu dùng hiện nay là hơn 1400 đồng/KWh, đấy là chưa có lãi, do vậy so với giá bán hiện tại thì phải tăng hơn 40% nữa mới bù đắp nổi chi phí.
"Cứu" ngành điện
- Bây giờ giá mặt hàng nào cũng đều có xu hướng tăng, nếu điện tăng nữa e sẽ không đạt được sự đồng thuận từ người dân, theo ông nếu có tăng thì thời điểm nào tăng là hợp lý?
- Tôi chỉ nói về góc độ kinh tế và quản lý kinh doanh thì giá điện phải tăng từ lâu rồi. Hôm trước tổng kết ngành điện năm 2010 tôi nói phải tăng từ 1-1-2011 để cứu ngành điện.
- Cứu ngành điện? Ông nói vậy có nghĩa ngành điện đang bên bờ vực phá sản?
- Chứ sao. Đó là một sự thật chứ không phải là câu chuyện "cá tháng Tư".
Thế mà người ta vẫn nói ngành điện lương cao lắm, giàu lắm.
TCty tôi có gần 30 nghìn cán bộ công nhân viên, năm nay sẽ không có một xu nào thưởng tết cả.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Ông Nguyễn Phúc Vinh: “Năm 2010 doanh thu của EVN khoảng 90 nghìn tỷ nhưng tổng chi phí lên đến 115 nghìn tỷ, lỗ 25 nghìn tỷ. Đấy là chưa nói đến một khoản dư nợ lớn mà EVN đi vay đầu tư, nếu cứ bán giá điện dưới giá thành sản xuất thế này thì chỉ lỗ. Lỗ thì lấy đâu ra tiền mà trả nợ gốc và lãi? Hôm vừa rồi Chủ tịch HĐQT EVN đã nói: EVN đang bị dồn đến bờ vực phá sản rồi. Không tăng giá thì không có đường ra".
(Theo Pháp luật và xã hội)