3CElectricTin tứcTin tức liên quanPPIG 2011 : Sinh viên Việt Nam đoạt giải Đề tài xuất sắc nhất

 


Khương với báo cáo tại Hội nghị PPIG tháng 9/2011.

Ý tưởng “Nghiên cứu ứng dụng của ngôn ngữ lập trình cho Robot” của An Khương bắt đầu từ việc tìm hiểu ứng dụng của Robot trong việc định vị con người và đồ vật bên trong nhà – vốn là đề tài nghiên cứu thạc sĩ mà Khương thực hiện tại Đại học Cambridge.

Cùng với sự phổ biến của việc ứng dụng Robot trong nhiều lĩnh vực khoa học và đời sống, việc phát triển một ngôn ngữ lập trình để điều khiển Robot, từ lâu đã là một vấn đề được nhiều ngành khoa học quan tâm.

Nghiên cứu của Khương đã đánh giá tính thực tiễn trong ứng dụng của ngôn ngữ lập trình NXT-G dành cho Robot. Bài viết chứng minh được những mặt hạn chế của ngôn ngữ, bằng cách áp dụng những phương thức phân tích của lĩnh vực tâm lý học cũng như khoa học máy tính.

Ngôn ngữ lập trình NXT-G cho Robot được phát triển trong nhiều năm với phiên bản mới nhất phát hành năm 2009 là một ngôn ngữ phổ biến được dạy trong các trường đại học tại Anh. Bài viết của Khương là nền tảng cho các nghiên cứu khoa học sau này để phát triển một ngôn ngữ cho Robot, thân thiện hơn, dễ sử dụng hơn cho mọi đối tượng người dùng, cùng với độ chính xác cao.


Cho bất kỳ một (3x3) Rubik nào, Robot có thể đưa các màu sắc về đúng vị trí trong vòng dưới 5 phút - Robot của Khương trình diễn tại hội nghị (9/2011).

Khả năng ứng dụng của đề tài rất lớn. Chẳng hạn, với quy mô trong siêu thị, người sử dụng có thể dùng ngay sóng điện thoại để biết được gian hàng mình cần đến ở tầng mấy, cụ thể hơn là có thể biết chính xác đồ vật mình muốn mua tại ngăn nào trên tủ cửa hàng. Và quan trọng nhất là làm thế nào để đi nhanh nhất từ vị trí hiện tại tới vị trí của đồ vật muốn mua.

Trong bệnh viện với nhiều bệnh nhân và bác sĩ thường xuyên di chuyển, các bác sĩ có thể định vị chính xác bệnh nhân (đặc biệt là các người già mất trí nhớ). Ứng dụng này không chỉ dễ quản lý mà có thể lên lịch thăm chữa bệnh chi tiết tiết kiệm công sức di chuyển của bác sĩ.

Với vấn đề bảo mật an ninh, trong tòa nhà lớn, các khách đến thăm đeo một thiết bị nhỏ cho phép bảo vệ kiểm soát được vị trí của họ. Cũng như trong trường hợp khẩn cấp như cháy nhà, cứu hỏa dễ dàng xác định được vị trí chỗ cháy trong tòa nhà, cũng như số lượng người bị kẹt để lên kế hoạch cứu hộ tốt nhất.

Bài cáo tham dự hội nghị vừa rồi là một phần nhỏ trong đồ án Thạc sĩ khoa học của Nguyễn An Khương. Nội dung chính của đề tài Thạc sĩ là phát triển một hệ thống định vị con người hay đồ vật bên trong nhà kín, sử dụng sóng Bluetooth và Robot. Nghiên cứu nhấn mạnh 2 điểm then chốt là phải phù hợp với ngân sách người sử dụng và phải có độ chính xác cao. Đây vốn là vấn đề chưa thể giải quyết trên thế giới.

Hiện tại Khương và Tiến sĩ Robert Harle đang cùng hoàn thiện dự án để xuất bản trong thời gian tới.

Nguyễn An Khương là học viên Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP.Đà Nẵng, hiện đang học thạc sĩ CNTT tại Đại học Cambridge (Anh).  Khương từng đoạt giải Nhất hội thi Tin Học Trẻ Không chuyên 2005 khi còn là một học sinh THPT với phần mềm "Xây dựng hệ thống tra cứu bản đồ Đà Nẵng trên điện thoại di động".

( Nguồn : PCworldvietnam )