Thời điểm Tuấn bắt tay chế tạo máy cày, người dân trong vùng đã quen sử dụng loại máy nặng gần 3 tạ của Trung Quốc sản xuất. Ngay từ đầu, ý tưởng của Tuấn khiến nhiều người hoài nghi. Bởi việc lấy động cơ xe máy lắp vào máy cày chẳng khác nào đem “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Hơn nữa, khi đang học lớp 11 thì Tuấn phải ngậm ngùi bỏ học để theo nghề sửa chữa xe máy và các loại động cơ điện, nhằm kiếm tiền phụ giúp gia đình bên cạnh thu nhập từ mấy sào ruộng. Đây cũng là lý do khiến rất ít người có thể đặt niềm tin vào chàng trai có trình độ chưa qua bậc THPT.
Chiếc máy cày đầu tiên được Tuấn tận dụng động cơ “bổ” từ xe máy cũ. Sau thời gian dài nghiên cứu, Tuấn cải biến cơ cấu hoạt động của động cơ, lấy ống tuýp nước hàn thành khung máy, phía dưới có thêm chi tiết gắn lưỡi cày. Lần đầu chạy thử, máy di chuyển khoảng vài mét thì đứng khựng lại, rên sằng sặc, rồi “lịm” hẳn. “Thế đã là tốt rồi”, Tuấn nghĩ vậy và tìm cách mổ xẻ thất bại để tiếp tục mày mò chế tạo. Nhưng mọi việc không suôn sẻ như Tuấn nghĩ, thử đi thử lại đến chục lần, tiền bạc vay mượn cũng bay theo mỗi lần thất bại. Thời điểm khó khăn nhất là lúc “cụt” vốn, vợ chồng Tuấn phải rao bán “mảnh đất ông ngoại cho hai vợ chồng làm của hồi môn” để có tiền làm máy cày.
Gia đình vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo nhất thị trấn Ít Ong, thế mà dám vay mượn tứ tung, lắm lúc Tuấn cũng rát tai vì hứng chịu lời bàn ra tán vào. Bạn bè, người thân dần mất niềm tin, nghĩ “thằng Tuấn đang bị điên” nên tìm cách khuyên can…
Nhưng đến tháng 5.2010, Tuấn tự tin chở chiếc máy ra giữa cánh đồng cạnh trung tâm thị trấn, gần đường quốc lộ đông người qua lại để trình diễn. Máy chạy êm ru, từng thớ đất được lật tung trong niềm phấn khích của hàng trăm người chứng kiến. “Mang ra khoe với thiên hạ, tôi chỉ muốn chứng minh ý tưởng này không điên rồ như họ nghĩ. Bù lại mình còn nhận được những góp ý bổ ích từ phía người sử dụng để cải tiến cho phù hợp”, Tuấn chia sẻ.
4 con trâu cộng lại
Đến thời điểm này Tuấn đã cung cấp cho thị trường 13 sản phẩm, giá bán khoảng 8,5 triệu đồng/chiếc, rẻ hơn một nửa so với máy cày của Trung Quốc sản xuất. Nếu so sánh giá bán, máy cày của Tuấn trị giá một nửa con trâu nhưng năng suất thì bằng 4 con trâu cộng lại. Mỗi chiếc máy bán ra có kèm đồ nghề sửa chữa, còn phụ tùng thay thế thì rất dễ tìm. Nếu gặp trục trặc, chỉ việc mang máy ra điểm sửa chữa xe máy để xử lý. Đây cũng là điểm rất tiện lợi khiến bà con tin dùng, đặt hàng với Tuấn.
Cày 360m2 chỉ tốn 3.000 đồng
Máy cày do Tuấn chế tạo có nút đề khởi động, chạy bằng xăng như xe máy và nặng chưa đến 70 kg, chỉ bằng 1/5 so với loại máy cày của Trung Quốc nhưng năng suất không hề thua kém. Chiếc máy được bà con nông dân đưa vào kiểm nghiệm trên một sào ruộng. Chỉ trong chốc lát máy đã cày xong thửa ruộng rộng 360m2, tốn khoảng 3.000 đồng tiền xăng. Bên cạnh đó, máy nhỏ gọn, nhẹ cũng giúp người sử dụng có thể mang vác lên khu ruộng bậc thang ở triền núi cao mà ngay cả trâu bò cũng không thể kéo cày vì diện tích nhỏ hẹp, không có chỗ quay đầu. Dàn 6 lưỡi cày sắc bén cũng cho phép máy hoạt động trên thửa có độ dốc 15 độ, đất cằn cỗi lẫn cả sỏi đá.
Nguyễn Anh Tuấn và chiếc máy cày chạy bằng động cơ xe máy
Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Sơn La đã kiểm tra và chứng nhận máy cày của Tuấn đảm bảo an toàn, đồng thời đánh giá là sản phẩm sáng tạo, tiện ích, phù hợp với địa hình vùng cao, có thể triển khai nhân rộng. Hiện tại, Tuấn đang tiếp tục chế tạo thêm phần hộp bảo vệ hệ thống nhông xích, lắp thêm lá chắn, không để bùn đất bắn vào người sử dụng; đồng thời nâng cấp thành loại máy đa năng có thể vừa cày bừa, phay đất và làm cỏ.
Trong tương lai, Tuấn mong muốn có vốn để mở xưởng sản xuất, để chiếc máy cày mi ni chạy bằng động cơ xe máy này được sử dụng khắp các vùng cao, hỗ trợ tích cực cho công việc đồng áng của người nông dân miền múi.
(Theo TNO)