3CElectricTin tứcTin tức liên quanThời đại “hậu PC” và mục tiêu cho ngành CNTT

 Trong Đề án tăng tốc đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT-TT, chúng ta đặt ra một số mục tiêu về sản xuất sản phẩm CNTT. Cụ thể, “đến năm 2015, các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực thiết kế, sản xuất thiết bị, thay thế dần các chi tiết nhập khẩu, đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo vi mạch tích hợp, làm chủ thiết kế và sản xuất được một số sản phẩm phần cứng CNTT-TT mang thương hiệu Việt Nam… Hình thành được một số sản phẩm phần cứng, phần mềm, nội dung số mang thương hiệu Việt Nam phục vụ thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu” (trích Quyết định 1755/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/9/2010).

    Những mục tiêu trên cho thấy chúng ta đang rất nỗ lực xây dựng ngành Công nghiệp CNTT. Nhưng rất có thể những biến chuyển của công nghệ và kinh tế sẽ khiến chúng trở nên không còn phù hợp ở một thời điểm nào đó trong tương lai.
Từ góc nhìn công nghệ

    Thế giới đang nói đến thời đại "hậu PC". Theo Steve Jobs – Giám đốc điều hành tập đoàn Apple, các thiết bị hậu PC phải trực quan và dễ dùng hơn so với PC. Cụ thể, với chiếc máy tính bảng iPad 2 mà công ty của ông mới cho ra mắt, phần cứng và phần mềm "phải đan quyện vào nhau, chặt chẽ hơn so với cách thức trên PC".

   Theo cách thức truyền thống, khi người ta mua một thiết bị chỉ giống như mua “phần xác”, sau đó phải mua thêm “phần hồn” nghĩa là các phần mềm thì thiết bị mới hoạt động được.

    Thuật ngữ “hậu PC” không chỉ mới được nhắc đến gần đây. Thực ra, trên một số dòng điện thoại thông minh (smartphone), các nhà sản xuất đã thêm vào đó nhiều giá trị gia tăng khác thông qua các ứng dụng, khiến từng chiếc BlackBerry, từng chiếc iPhone… đã mang sự khác nhau tùy thuộc vào mỗi người chủ sử dụng chúng. Điều này hoàn toàn khác biệt với PC. Nếu bạn mua một chiếc PC của bất kỳ hãng nào, bạn cũng có thể kiếm từ một hãng bất kỳ hệ điều hành, phần mềm nghe nhạc, xử lý ảnh, xem phim… Nhưng với những thiết bị smartphone, mỗi nhà sản xuất lại có những ứng dụng riêng dành cho nó.

    Trong một bài viết cuối năm 2010 về các xu hướng công nghệ di động, tờ nhật báo tài chính Wall Street Journal đánh giá: "2010 là năm của ứng dụng di động. Hàng trăm nghìn phần mềm máy tính nhỏ đã biến smartphone thành trung tâm game, máy quét mã vạch, thiết bị chỉnh sửa ảnh…". Và Wall Street Journal cho rằng các ứng dụng di động là một trong những đột phá công nghệ lớn nhất trong những năm gần đây.

    Nói về mối quan hệ giữa phần cứng và phần mềm, Stephen Pawlowski, Giám đốc công nghệ của Intel cũng cho rằng các phần mềm, ứng dụng ngày nay có sự phát triển quá nhanh, đặc biệt là trên nền tảng điện toán đám mây trong khi phần cứng nhiều khi không đáp ứng được. Vì vậy, xu hướng trong tương lai là các phần mềm và phần cứng phải được thiết kế cùng nhau để làm sao phần cứng có thể hiểu và hỗ trợ được các ứng dụng một cách tốt nhất.

    Như vậy, với những mục tiêu phát triển các sản phẩm nhập khẩu hiện tại thì rất có thể, chúng ta sẽ vẫn tiếp tục phải nhập khẩu các sản phẩm, thiết bị của tương lai. Vậy thì, nên chăng, chúng ta sẽ tập trung vào nghiên cứu, phát triển các sản phẩm của tương lai?

Từ góc nhìn kinh tế

TS Edmund J. Malesky, Phó giáo sư trường Cao học Quan hệ quốc tế và Nghiên cứu Thái Bình Dương thuộc Đại học California, San Diego, sau một cuộc khảo sát thực tế tại Việt Nam, cho rằng, các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Việt Nam không thể biết điều quan trọng sắp tới là gì, do đó việc nhắm tới các ngành công nghiệp công nghệ cao hàng đầu của ngày hôm qua có thể là một tai họa” (Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 17/3/2011).

    Cũng theo Edmund, đa phần các nhà đầu tư đánh giá Việt Nam ở lợi thế về chi phí (mức lương cho người lao động thấp), sự ổn định chính trị (cho phép họ lập kế hoạch trong một khoảng thời gian). Vì vậy, lời khuyên của Edmund là hãy "nhắm tới hệ thống chính sách phát triển kỹ năng của người lao động, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và sự tôn trọng hợp đồng - là những điều mà nhà đầu tư sành sỏi luôn thấy hấp dẫn. Một sự đầu tư như vậy sẽ mang lại lợi ích bất kể là trong lĩnh vực kinh tế nào ở Việt Nam tương lai".

   Đối chiếu với tình hình CNTT Việt Nam, ý kiến này gợi nên nhiều suy nghĩ.

Theo pcworld