3CElectricTin tứcTin tức liên quanXây dựng Cần Thơ thành trung tâm VT-CNTT của ĐBSCL

Quy hoạch này được Bộ trưởng Bộ TTTT Lê Doãn Hợp phê duyệt ngày 15/3/2011, tại quyết định số 357/QĐ-BTTTT. PC World Vietnam trích giới thiệu một số điểm trong phần mục tiêu phát triển của bản quy hoạch này:

...Đến năm 2015, toàn vùng sẽ hoàn thành mạng băng rộng đến tất cả các xã, phường và phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 85% dân cư. Đến năm 2020, phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 95% dân cư; tất cả hộ gia đình có điện thoại…


Thành phố Cần Thơ (ảnh Canthoclub.com)

Về phát triển ứng dụng CNTT, đến năm 2015, ít nhất 60% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện hoàn toàn dưới dạng điện tử; trên 90% hồ sơ quản lý cán bộ, công chức các cấp có thể quản lý chung trên mạng và tích hợp vào cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, công chức toàn quốc; 100% các cuộc họp của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với Chính phủ có thể thực hiện trực tuyến…

Đến năm 2015, 100% trường trung học phổ thông (THPT), trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung học cơ sở (THCS) và 50% trường tiểu học được trang bị phòng máy tính đáp ứng nhu cầu dạy và học; đảm bảo có đủ giáo viên dạy môn tin học trong chương trình chính khoá ở các trường phổ thông; 100% học sinh THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên và THCS, 50% học sinh tiểu học được học tin học trong chương trình chính khoá…

100% cơ sở y tế tuyến tỉnh, ít nhất 50% cơ sở y tế tuyến huyện có hệ thống mạng LAN và trang thiết bị phục vụ ứng dụng CNTT. 100% cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên được kết nối Internet tốc độ cao; trên 85% trạm y tế xã có máy tính và được kết nối Internet tốc độ cao; 100% sở y tế và cơ sở y tế tuyến tỉnh, trên 50% cơ sở y tế tuyến huyện ứng dụng CNTT để hỗ trợ các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, từng bước xây dựng hệ thống y tế điện tử và hệ thống theo dõi, cảnh báo dịch bệnh trong vùng.

Trên 50% các doanh nghiệp lớn thường xuyên thực hiện các giao dịch thương mại điện tử. 70% các doanh nghiệp vừa và nhỏ biết đến lợi ích của thương mại điện tử và có ứng dụng nhất định. Trên 45% số xã có điểm bưu điện văn hóa và điểm truy cập Internet đạt chuẩn; phát triển các trang thông tin điện tử khuyến nông, khuyến ngư, theo dõi rừng, theo dõi dự báo dịch hại trên cây trồng. Hình thành mạng lưới thu thập thông tin và cung cấp thông tin giá cả thị trường nông sản trên toàn vùng, phát triển các cơ sở dữ liệu phục vụ sản xuất và kinh doanh nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp; thúc đẩy phát triển giao dịch và thương mại điện tử thuận lợi, tin cậy; hướng dẫn, khuyến khích nông dân sử dụng giao dịch và thương mại điện tử…

Đến năm 2020, toàn vùng hình thành kết cấu hạ tầng xã hội thông tin, tích hợp các hệ thống thông tin, tạo lập môi trường mạng rộng khắp gắn kết với các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL và vùng KTTĐ phía Nam; trên 70% số xã có điểm bưu điện văn hóa và điểm truy cập Internet đạt chuẩn; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT; hầu hết các giao dịch của các cơ quan nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử; hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến với mức độ 3 và 4.

Về phát triển công nghiệp CNTT, phát triển mạnh dịch vụ CNTT tại tất cả các tỉnh, thành phố trong vùng. Phát triển công nghiệp phần cứng và điện tử, chủ yếu là lắp ráp thiết bị thông qua thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trong vùng. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp CNTT của Vùng KTTĐ vùng ĐBSCL đạt 30%/năm trong giai đoạn từ 2011 đến 2015. Đến năm 2020, đưa công nghiệp CNTT trở thành một ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng GDP của vùng.

Về phát triển nguồn nhân lực CNTT, đến năm 2015, 100% cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên các cấp, cán bộ, nhân viên trong ngành y tế sử dụng thành thạo máy tính và các ứng dụng CNTT trong công tác của mình…; đảm bảo có đủ nhân lực phục vụ phát triển viễn thông, công nghiệp CNTT và ứng dụng CNTT. Đến năm 2020, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên các cấp, cán bộ, nhân viên trong ngành y tế được bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức CNTT…, 100% cán bộ lãnh đạo thông tin tại các cơ quan trong hệ thống chính trị và trong các doanh nghiệp được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức CNTT và kỹ năng quản lý CNTT….

Bộ TTTT sẽ chủ trì, phối hợp các bộ ngành liên quan và UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện Quyết định này.
Bạn đọc có thể xem toàn văn Quyết định tại đây.

Nguồn: Quyết định 357/QĐ-BTTTT của Bộ TTTT